Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương vừa được Quốc hội thông qua ngày 30/11.
Sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc thành phố Huế
Nghị quyết của Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc thành phố Huế bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với nghị quyết.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi thành phố Huế kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (HĐND, UBND thành phố Huế kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành) và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành nghị quyết này.
Sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Trường hợp HĐND quận thuộc thành phố Huế không đủ hai phần ba tổng số đại biểu HĐND được bầu theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì thường trực HĐND thành phố Huế chỉ định quyền chủ tịch HĐND quận theo đề nghị của thường trực HĐND thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.
Chủ tịch UBND thành phố Huế chỉ định quyền chủ tịch UBND, UBND quận lâm thời và quyết định thành lập cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận lâm thời. UBND quận lâm thời thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận theo quy định và hoạt động cho đến khi UBND quận nhiệm kỳ 2026 - 2031 được thành lập.
Theo đó, thành phố Huế trực thuộc Trung ương có diện tích tự nhiên là 4.947,11 km², quy mô dân số là 1.236.393 người; có 9 ĐVHC cấp huyện, gồm: 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện; có 133 ĐVHC cấp xã, gồm: 78 xã, 48 phường và 7 thị trấn (giảm 17 xã và tăng 9 phường).
Cụ thể, đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Huế gồm: Quận Phú Xuân có 127,05 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 202.585 người; có 13 phường, gồm: An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Hòa, Kim Long, Hương Sơ, Hương Long, Phú Hậu, Hương An, Hương Vinh, Long Hồ.
Quận Thuận Hóa có 139,41 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 298.063 người; có 19 phường, gồm: An Cựu, An Tây, Vỹ Dạ, Phước Vĩnh, Trường An, Phú Nhuận, Thủy Biểu, Phủ Hội, An Đông. Vĩnh Ninh, Phường Đúc, Thủy Xuân, Xuân Phủ, Thúy Vân, Phú Thượng, Hương Phong, Thủy Bằng, Thuận An, Dương Nỗ.
Thị xã Hương Trà có 392,57 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 70.242 người; có 9 ĐVHC cấp xã, gồm 5 phường và 4 xã.
Thị xã Hương Thủy có 427,48 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 103.975 người; có 10 ĐVHC cấp xã, gồm 5 phường và 5 xã.
Thị xã Phong Điền có 945,66 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 105.597 người; có 12 ĐVHC cấp xã, gồm 6 phường và 6 xã.
Huyện Phú Lộc (sáp nhập huyện Phú Lộc và Nam Đông) có 1.368,23 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 180.607 người, có 27 ĐVHC cấp xã, gồm 23 xã và 4 thị trấn.
Huyện Phú Vang có 235,31 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 130.743 người, có 14 ĐVHC cấp xã, gồm 13 xã và 1 thị trấn.
Huyện Quảng Điền có 162,89 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 94.340 người; có 11 ĐVHC cấp xã, gồm 10 xã và 1 thị trấn.
Huyện A Lưới có 1.148,50 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 50.241 người; có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 1 thị trấn.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, đề án "Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập ĐVHC cấp huyện, cấp xã, trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế" được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở những góp ý quý báu của các chuyên gia, các bộ, ban, ngành Trung ương
Đề án đã làm rõ những căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và đề ra các phương án cụ thể sắp xếp, thành lập ĐVHC các cấp; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch tổng thể ĐVHC, các định hướng quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan được cấp thẩm quyền phê duyệt; giúp thành phố Huế trực thuộc Trung ương thiết lập bộ máy quản lý hành chính phù hợp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Đây là đề án có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; tạo động lực để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng "tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường" trong thời kỳ mới, xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Việc HĐND tỉnh tán thành thông qua chủ trương "Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn" là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện đề án để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.