Ngày 21/12, Chính phủ ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Những việc cần đến sổ hộ khẩu:
Sổ hộ khẩu thể hiện nơi cư trú của cá nhân thường xuyên sinh sống. Trong một vài trường hợp, nếu không xác định được nơi ở thì sổ hộ khẩu chính là bằng chứng ghi nơi cư trú người đó đang sinh sống.
Để thực hiện quyền chuyển nhượng, mua bán đất, sổ hộ khẩu là một giấy tờ chứng nhận, văn bản pháp lí trong trường hợp nhận thừa kế. Nó còn đảm bảo thi hành án cho các trường hợp liên quan đến quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất…
Sổ hộ khẩu là một giấy tờ pháp lí, vì vậy nó rất cần thiết trong quá trình thực hiện các thủ tục như đăng kí thường trú, tạm trú, chuyển tách hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, xóa hay xác nhận đăng kí thường trú… Ngoài ra, các thủ tục hành chính liên quan giấy phép kinh doanh, đăng kí kết hôn, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, khai sinh, khai tử hay hồ sơ xin việc… đều cần đến hộ khẩu làm giấy tờ chứng thực.
Sổ hộ khẩu là công cụ để Nhà nước quản lý nơi cư trú của công dân.
Tại Điều 18 Luật cư trú 2006 quy định:
‘Công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú và được cấp sổ hộ khẩu.’
Trong khi đó, Điều 24 làm rõ vai trò của Sổ hộ khẩu như sau: Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Những người đăng ký tạm trú chỉ được cấp Sổ tạm trú thay vì Sổ hộ khẩu.
Thông thường trong Sổ hộ khẩu có các thông tin về chủ hộ và các thành viên khác cùng hộ khẩu, như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, mối quan hệ với chủ hộ,… Theo đó, sổ hộ khẩu thể hiện nơi cư trú của cá nhân thường xuyên sinh sống. Trong một vài trường hợp, nếu không xác định được nơi ở thì sổ hộ khẩu chính là bằng chứng ghi nơi cư trú người đó đang sinh sống.
Theo Khoản 2 Điều 21 Luật cư trú 2020 và được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA về hồ sơ đăng ký thường trú và được cấp sổ hộ khẩu bao gồm:
– Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu (bản sao chứng thực);
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Trường hợp cá nhân, hộ gia đình chuyển hộ khẩu từ địa phương khác nằm ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn đó thì cần có giấy chuyển hộ khẩu do cơ quan Công an nơi cư trú trước đó cấp.
Trường hợp sau khi tách khẩu có chỗ ở hợp pháp trong cùng địa xã, thị trấn thuộc huyện, đồng thời công dân có nhu cầu cấp sổ hộ khẩu thì cần thêm sổ hộ khẩu gia đình bản gốc.
Trường hợp tách hộ khẩu có cùng chỗ ở hợp pháp, đồng thời với việc tách khẩu công dân có nhu cầu thì được cấp sổ hộ khẩu mà thuộc trường hợp bắt buộc phải xem xét ý kiến của chủ hộ thì cần thêm văn bản đồng ý của chủ hộ về việc tách hộ khẩu ở cùng chỗ ở hợp pháp.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Luật cư trú 2006 được hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định như sau:
1. Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền đăng ký thường trú tại quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh. Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Cán bộ tiếp nhận tiến hành kiểm tra giấy tờ theo về sự đầy đủ, tính hợp lệ và nội dung hồ sơ quy định pháp luật, người đến nộp hồ sơ phải xuất trình để đối chiếu (nếu có). Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì tiếp nhận và viết phiếu hẹn giao cho người đến nộp hồ sơ.
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ thì viết giấy hướng dẫn người đến nộp hồ sơ thực hiện cho quy định pháp luật. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết, hướng dẫn người đến nộp hồ sơ liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.
Trường hợp nội dung hồ sơ phù hợp với quy định của pháp luật, Cán bộ, công chức có trách nhiệm, quyền hạn giải quyết tiến hành ngay việc xử lý hồ sơ theo đúng pháp luật quy định hiện hành và cấp sổ hộ khẩu là kết quả việc thực hiện thủ tục hành chính cho người có nhu cầu đăng ký thường trú.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Luật cư trú 2006 thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú. Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do về việc không đủ điều kiện cấp sổ hộ khẩu cho người yêu cầu.
Bao giờ thì bỏ sổ hộ khẩu giấy:
Luật cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 38 điều sẽ có hiệu lực từ 1-7-2021. Đáng chú ý tại khoản 3, điều 38, luật quy định kể từ ngày có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31-12-2022. Trường hợp thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thì Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ Hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ Hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Bên cạnh đó, cũng bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú
Đặc biệt, sẽ bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú như: Tách Sổ Hộ khẩu; cấp đổi Sổ Hộ khẩu; cấp lại Sổ Hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi Sổ Tạm trú; cấp lại Sổ Tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Tạm trú; gia hạn tạm trú; hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật… tạo điều kiện tối đa cho người dân.
Theo đó, Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú, tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú, tạm trú (không cấp Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy).
Kết luận: Hộ khẩu là một trong những phương thức quản lý dân cư của nhà nước. Trước giờ đều được thực hiện bằng cách thông qua sổ hộ khẩu giấy. Đến năm 2021, Luật Cư trú mới có hiệu lực thi hành, khi đó sẽ chuyển đổi sang phương thức quản lý bằng phần mềm, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý dễ dàng truy cập và trích xuất thông tin khi có yêu cầu. Việc chuyển đổi này là một bước tiến quan trọng, giúp cho nền tư pháp nước nhà cải tiến và sử dụng thuận lợi hơn.
Ngày 21/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (sau đây gọi tắt là Nghị định số 104/2022/NĐ-CP). Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
Nghị định số 104/2022/NĐ-CP gồm 15 Điều, trong đó từ Điều 1 đến Điều 13 quy định việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế một số cụm từ quy định tại các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy, trong đó bỏ quy định về việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thuộc các lĩnh vực việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, đất đai, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi… Nghị định số 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định sau:
- Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019;
- Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật Bảo hiểm y tế;
- Nghi định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn;
- Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non;
- Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo;
- Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước;
- Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;
- Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
- Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021;
- Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
- Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 quy định chi tiết một số điều của Luật Nuôi con nuôi;
- Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Tại Điều 14 của Nghị định số 104/2022/NĐ-CP quy định việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công được thực hiện bằng một trong các phương thức sau:
(1) Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;
(2) Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;
(3) Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp;
(4) Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú. Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú, bao gồm: Thẻ Căn cước công dân; Chứng minh nhân dân; Giấy xác nhận thông tin về cư trú; Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư./.